5 điểm nhấn sau trận U23 Việt Nam vs U23 Philippines

Dù đã có chiến thắng tối thiểu trước U23 Philippines, nhưng có thể thấy U23 Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn bảo vệ ngôi vương U23 Đông Nam Á.

1. Gặp vấn đề trong khâu triển khai bóng
So với trận gặp U23 Lào, HLV Hoàng Anh Tuấn đã có vài thay đổi ở tuyến tiền vệ, và đó là nguyên nhân chính khiến U23 Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong khâu triển khai bóng. Trong phần lớn thời lượng của trận đấu, tập thể do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt buộc phải sử dụng những tình huống bóng dài để tổ chức tấn công. Trong khi, việc triển khai bóng từ phần sân nhà đã bị U23 Philippines vô hiệu hoá thành công với khối pressing tầm cao ấn tượng.

Ngọc Thắng (số 4) đã có những tình huống chuyển trạng thái rất tốtNgọc Thắng (số 4) đã có những tình huống chuyển trạng thái rất tốt

Việc triển khai tấn công của U23 Việt Nam ở trận này phụ thuộc khá nhiều vào 3 trung vệ. U23 Việt Nam rất cần những mẫu tiền vệ có khả năng điều tiết nhịp độ trận đấu như Văn Trường hay Bá Đạt. Điều này sẽ giúp cả 3 tuyến của U23 Việt Nam được vận hành trơn tru hơn, tránh rơi vào tình trạng bế tắc như trận đấu với U23 Philippines vừa qua.

2. Tính tổ chức chưa tốt

Việc cất những tiền vệ có tính tổ chức tốt như Khuất Văn Khang hay Thái Bá Đạt khiến tuyến tiền vệ và hàng công gần như không tìm được sợi dây liên kết. Ở trận này, Đức Việt không phát huy được điểm mạnh bằng những tình huống phân phối bóng, trong khi Minh Khoa cũng không phải là mẫu tiền vệ có tính tổ chức cao. Do đó, hàng công U23 Việt Nam gần như đã tự lực cánh sinh trong phần lớn 2 hiệp đấu.

Điều đó cho thấy tính tổ chức của U23 Việt Nam đang gặp một số vấn đề. Như đã nói, việc thiếu một nhạc trưởng ở khu vực giữa sân đã khiến U23 Việt Nam không còn phát huy được những bài đánh trực diện như trận gặp U23 Lào. Bàn thắng duy nhất ở trận này do công của Hữu Tuấn là một bàn thắng đẹp mắt, nhưng đây lại là tình huống xử lý cá nhân chứ không phải là bàn thắng dàn xếp bài bản và khoa học.

3. Sự khác biệt của những trụ cột

U23 Việt Nam đã thể hiện màn trình diễn tương đối mờ nhạt trong khoảng 70 phút của trận đấu. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn không để lại quá nhiều dấu ấn từ chiến thuật, lối chơi cho đến cách vận hành. Mãi đến khi những trụ cột như Văn Khang, Quốc Việt hay Văn Trường vào sân, U23 Việt Nam mới có những phút thi đấu thực sự khởi sắc. Điều này cho thấy, khoảng cách giữa đội hình chính và dự bị đang là quá lớn.

Sự hiện diện của những trụ cột như Quốc Việt, Văn Khang hay Văn Trường đã đem lại những dấu hiệu tích cực về mặt lối chơi cho U23 Việt NamSự hiện diện của những trụ cột như Quốc Việt, Văn Khang hay Văn Trường đã đem lại những dấu hiệu tích cực về mặt lối chơi cho U23 Việt Nam

Văn Khang và Văn Trường vào sân, lối chơi của U23 Việt Nam đã có thay đổi rõ rệt. Văn Trường không còn đá tiền đạo, thay vào đó anh lùi sâu làm bóng, di chuyển rộng để thu hút các vệ tinh xung quanh, qua đó đưa ra những đường chuyền mang tính sát thương cao. Với Văn Khang, kể từ khi tiền vệ của Viettel vào sân, anh xuất hiện ở mọi điểm nóng từ trung lộ cho đến hai hành lang biên. Ngoài ra, sự hiện diện của Quốc Việt cũng giúp cánh trái  U23 Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với những gì mà Xuân Tiến đã thể hiện trước đó.

4. Khả năng pressing đồng bộ ấn tượng của U23 Việt Nam

HLV Hoàng Anh Tuấn từng nói, ông sẽ cho U23 Việt Nam chơi thứ bóng đá tương tự như HLV Philippe Troussier. Tại giải U23 Đông Nam Á năm nay, U23 Việt Nam đã có những nét tương đồng so với U23 Việt Nam tại SEA Games 32 cách đây vài tháng trên đất Campuchia. Nổi bật trong số đó là những tình huống chủ động pressing tầm cao với quân số đông của các tiền vệ và tiền đạo. Điều này đã được HLV Hoàng Anh Tuấn yêu cầu các học trò thực hiện trong trận đấu với U23 Philippines. Thậm chí, đã có 2 đến 3 tình huống trong hiệp 1, quân số của U23 Việt Nam thậm chí còn nhỉnh hơn U23 Philippines bên phần sân của đối thủ. Đôi lần, chúng ta đã thành công trong việc gây áp lực tầm cao, qua đó tận dụng thời cơ để tổ chức phản công. Đó là một trong những miếng đánh mà HLV Troussier từng áp đặt vào U23 Việt Nam tại SEA Games 32 hay ĐT Việt Nam trong 2 lượt trận giao hữu vào tháng 6 vừa qua gặp Syria và Hong Kong.

5. Màn trình diễn triển vọng của những tài năng trẻ

HLV Hoàng Anh Tuấn đã tung ra sân nhiều cầu thủ còn rất trẻ. Trong đó có Lê Đình Long Vũ (17 tuổi), Nguyễn Đăng Dương (18 tuổi) và Nguyễn Hữu Tuấn (17 tuổi). Đây đều là 3 tài năng trẻ rất triển vọng của bóng đá Việt Nam trong tương lai. Đăng Dương đã có một trận đấu khá tròn vai khi chơi ở vị trí tiền đạo cắm. Tiền đạo thuộc lò Viettel cho thấy phẩm chất của một tiền đạo thực thụ qua nhiều tình huống làm tường tốt, khả năng độc lập tác chiến ấn tượng, cũng như sở hữu kĩ năng dứt điểm không hề tệ. Đây là mẫu trung phong có nét tương đồng với Nhâm Mạnh Dũng, cầu thủ cũng trưởng thành từ lò Viettel.

Những cầu thủ trẻ thuộc lứa 2005-2006 như Đăng Dương, Hữu Tuấn hay Long Vũ đã có màn trình diễn rất triển vọngNhững cầu thủ trẻ thuộc lứa 2005-2006 như Đăng Dương, Hữu Tuấn hay Long Vũ đã có màn trình diễn rất triển vọng

Ngoài ra, Hữu Tuấn và Long Vũ cũng đã có trận đấu hoạt động năng nổ ở hai hành lang cánh. Đặc biệt, Hữu Tuấn đã có một bàn thắng rất đẹp bằng pha dứt điểm trái phá từ ngoài vòng cấm, đây cũng là bàn thắng duy nhất giúp U23 Việt Nam có chiến thắng tối thiểu trước U23 Philippines. Chưa kể, hậu vệ Lê Nguyên Hoàng (18 tuổi) cũng đã có một trận đấu xuất sắc khi chơi bên cạnh hai đàn anh là Nam Hải và Ngọc Thắng.

TAG: