Arsenal đang ngắm nghía rất nhiều mục tiêu, và nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, đây sẽ là một phiên “shopping” Hè táo bạo với Declan Rice, Kai Havertz, Jurrien Timber… Nhưng khoan đã, luật Công bằng Tài chính (FFP) thì sao?
Arsenal đã ra giá 105 triệu bảng cho tiền vệ Declan Rice của West Ham. Họ đã ký hợp đồng với Kai Havertz (Chelsea) với mức phí khoảng 65 triệu bảng và đang đàm phán với Ajax về hậu vệ Jurrien Timber với giá khoảng 30 triệu bảng.
Dường như Arsenal lại có một mùa Hè rực rỡ như những mùa Hè khác. Năm 2021, Arsenal chi 145 triệu bảng để mua Ben White, Martin Odegaard và Aaron Ramsdale. Mùa trước, 165 triệu bảng cho 2 tân binh Gabriel Jesus và Oleksandr Zinchenko.
Kỷ nguyên chi tiêu dè dặt của Arsenal đã không còn dưới thời ông chủ người Mỹ Stan Kroenke. Mỗi mùa Hè bây giờ đều là mốc kỷ lục mới. Kể từ Hè 2020, hơn 300 triệu bảng đã xuất két để vượt qua đại dịch Covid-19 và tất cả đều không có doanh thu đáng kể để cân bằng sổ sách.
Nhưng đã đến lúc đặt câu hỏi: Arsenal có thể trụ được bao lâu nữa về chi tiêu? CLB này đã lỗ trước thuế 226 triệu bảng trong 3 năm qua nhưng vẫn tiếp tục viết séc theo quan điểm “vô tư đi”. Tại sao lại có chuyện này?
Arsenal đã chiêu mộ xong Havertz
Đáp án là, dù Arsenal đã chi rất nhiều tiền trong vài năm qua nhưng nguồn thu cũng tăng mạnh, đặc biệt ở mùa 2022/23. Nó bao gồm tiền thưởng của Premier League cho vị trí á quân, của UEFA cho các trận thắng ở Europa League, tiền thưởng của các nhà tài trợ áo đấu, tên sân cho suất dự Champions League.
Arsenal phải tuân thủ hai bộ quy tắc FFP: của Premier League và của UEFA. Song các quy định của Premier League không phải là mối quan tâm cấp thiết đối với Arsenal bởi nó cho phép CLB được phép lỗ tới 105 triệu bảng trong khoảng thời gian theo dõi 3 năm.
Tuy nhiên, trong 3 năm này, các khoản lỗ do đại dịch gây ra được loại bỏ, cũng như một loạt các khoản khấu trừ được phép khác, chẳng hạn như tiền nâng cấp sân, phát triển bóng đá cộng đồng, đào tạo trẻ và bóng đá nữ.
Điều đó khiến việc Arsenal báo lỗ trước thuế 168 triệu bảng cho giai đoạn kết thúc vào mùa 2021/22 trở nên bình thường nhờ các khoản khấu trừ. Uớc tính, Arsenal có thể xóa tới 162 triệu bảng, chỉ còn lỗ 6 triệu bảng.
Như thế, một CLB có nguy cơ tụt lại phía sau nhóm Top 4 với doanh thu thấp hơn 75 triệu bảng so với Tottenham ở mùa 2021/22 và ít hơn 114 triệu bảng so với Chelsea đã quay trở lại trong 2 năm qua. Họ đang có đẳng cấp của mùa 2016/17, khi doanh thu đạt đỉnh 419 triệu bảng/mùa.
Declan Rice cũng chuẩn bị cập bến Arsenal
Các sao kê cho mùa giải 2022/23 được in ra vào mùa Đông tới sẽ mô tả một CLB đang bắt kịp các đối thủ. Lợi nhuận cho mùa 2023/24 thậm chí sẽ giúp Arsenal vượt mặt 1-2 CLB. Họ sẽ có thêm tối thiểu 50 triệu bảng từ bản quyền truyền hình và 70 triệu bảng cho việc tham dự Champions League.
Mảng bán cầu thủ cũng đóng góp lớn. Dự kiến chi 200 triệu bảng ở mùa Hè này có thể sẽ được bù đắp bằng việc bán hoặc dừng trả lương cho Granit Xhaka, Thomas Partey, Kieran Tierney và Folarin Balogun. Arsenal có thể kiếm khoảng 100 triệu bảng từ việc bán cầu thủ.
Lợi điểm khác của Arsenal là khả năng kiểm soát chi phí cực tốt. Tiền lương được trả ở mua 2021/22 chỉ chiếm 58% doanh thu. 212 triệu bảng tiền lương của Arsenal không là gì so với 384 triệu bảng của Man United, 354 triệu bảng của Man City và 340 triệu bảng của Chelsea.
Những điều này sẽ được đánh giá cao theo FFP sửa đổi của UEFA, hiện được gọi là quy định bền vững tài chính, có hiệu lực vào tháng 6/2022. Các khoản lỗ cho phép trong khoảng thời gian 3 năm cũng đã tăng từ 30 triệu euro lên 60 triệu euro (51,3 triệu bảng).
Các CLB sẽ không thể chi hơn 90% doanh thu cho lương, chuyển nhượng và phí môi giới ở mùa 2023/24, sau đó giảm xuống 80% vào mùa 2024/25 và chốt ở mức 70% vào mùa 2025/26.
Không giống như Chelsea, Leicester, Man City và West Ham, Arsenal không nằm trong số 19 CLB được UEFA đưa vào danh sách giám sát vào tháng 9/2022. Arsenal thực sự rất ổn. Họ đã trở lại Champions League, fan đang quay trở lại và họ đang ở một vị trí thuận lợi.