Mohamed Simakan, Pierre Kalulu, Castello Lukeba... chỉ là những cái tên tiêu biểu trong hàng ngũ trung vệ chất lượng cao mới xuất hiện của ĐT Pháp. Nền bóng đá Gaulois đã làm thế nào để luôn sản xuất được nhiều trung vệ hàng đầu thế giới như vậy?
Dayot Upamecano bị chấn thương ngay trước thềm trận đấu với ĐT Hà Lan ở vòng loại EURO 2024. Không vấn đề gì, đã có Axel Disasi trám chỗ. HLV Didier Deschamps vẫn chưa cảm thấy yên tâm nên đã điều động cả trung vệ Castello Lukeba lần đầu lên tuyển. ĐT Pháp hiện rất dồi dào phương án thay thế ở vị trí then chốt này. “Bất chấp mọi rủi ro có thể xảy ra, hiện tôi có 3 lựa chọn ở mỗi vị trí phòng ngự”, Deschamps hãnh diện khoe trong cuộc họp báo trước trận đấu.
Rõ ràng, ĐT Pháp có nguồn lực vô tận ở trục phòng thủ, thậm chí dư thừa để cho các ĐTQG khác, ví dụ như Tây Ban Nha phải nhập tịch hậu vệ Pháp để sử dụng. LĐBĐ Tây Ban Nha đã liên tiếp thuyết phục được Aymeric Laporte (29 tuổi) và Robin Le Normand (26 tuổi), những hậu vệ chưa từng thi đấu cho ĐT Pháp, chuyển sang hàng ngũ của mình. Họ đã góp sức giúp La Roja vô địch UEFA Nations League 2023 vào tháng 6 vừa qua. Trung vệ Evan Ndicka cũng đã chọn khoác áo ĐT Bờ Biển Ngà vào tháng 6/2023 và đã thi đấu cho đội tuyển này hồi tháng trước.
Những không vấn đề gì, nước Pháp vẫn còn rất nhiều viên ngọc quý, ví dụ như Pierre Kalulu hay Mohamed Simakan. Do đó, HLV Deschamps không cần triệu tập các trung vệ đang thi đấu ở các giải lớn ở châu Âu như Wesley Fofana, Axel Disasi và Benoit Badiashile (cùng ở Chelsea), William Saliba (Arsenal), Presnel Kimpembe (PSG), Dayot Upamecano (Bayern Munich), Clement Lenglet (Aston Villa), Samuel Umtiti (Lille) hay Kurt Zouma (West Ham).
Thêm vào đó, trung vệ Pháp được đánh giá rất cao về chất lượng. Và giá của họ cũng vậy. Đơn cử, 10 trung vệ hay nhất của bóng đá Pháp hiện tại được trang Transfermarkt định giá 468 triệu euro, vượt xa giá của 10 trung vệ hay nhất của bóng đá Hà Lan hiện tại (349 triệu euro). Hay như trong Top 50 trung vệ đắt giá nhất thế giới, Pháp có 12 cái tên. Bên cạnh những người được nhắc đến ở trên, những Oumar Solet (RB Salzburg), Loic Bade (Sevilla FC), Maxence Lacroix (Wolfsburg) hay thậm chí là Leny Yoro (Lille) đều sẽ là những tài sản quý của bóng đá Pháp trong thời gian tới.
Mohamed Simakan, Pierre Kalulu, Castello Lukeba đang là những trung vệ trẻ chất lượng cao của ĐT Pháp.
Một tay môi giới cầu thủ cho biết: “Thị trường Pháp là mỏ hậu vệ đa dạng và dồi dào nhất thế giới. Vì vậy, các CLB châu Âu đều tìm đến chúng tôi để mua trung vệ Pháp. Về cơ bản, trung vệ Pháp đã được đào tạo gần như hoàn chỉnh, có thể tùy biến cho phù hợp với đặc tính bóng đá riêng ở nền bóng đá hải ngoại. Đó chỉ là những tinh chỉnh về đặc tính kỹ thuật, còn lại phẩm chất phòng ngự không cần động tới. Hãy nhìn vào Dayot Upamecano, người đã trở thành một hậu vệ rất hoàn thiện sau khi được tinh chỉnh ở Bayern Munich”.
Nhưng phương pháp đào tạo trung vệ của bóng Pháp được thực hiện như thế nào? Hubert Fournier, giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Pháp (FFF) giải thích: “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã bố trí các HLV chuyên ngành vào làm việc ở các trung tâm đào tạo. Điều này cho phép chúng tôi tạo ra các trung vệ trẻ sớm trưởng thành hơn về mặt chiến thuật. Vị trí hậu vệ thường bị coi nhẹ hoặc lãng quên trong quá trình đào tạo vì trước đây, chúng tôi tập trung vào các cầu thủ tấn công. Bây giờ, hậu vệ được giới đào tạo bóng đá đánh giá cao hơn nhiều”.
Đây cũng là quan điểm của Eric Hely, nguyên giám đốc lò đào tạo Sochaux: “Chẳng phải vị trí đó sẽ được đánh giá cao hơn trước sao? Tôi có ấn tượng rằng năm 1998, với một hậu vệ như Laurent Blanc, ĐT Pháp bắt đầu thành công. Chúng tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của vị trí này. Vai trò hậu vệ đã bị ghẻ lạnh trong quá khứ nhưng ngày nay, bọn trẻ nói chúng tôi rằng chúng muốn trở thành trung vệ vì vị trí này vẫn giúp chúng tiến thân tốt, được các CLB săn đón. Và mọi thứ cứ thế diễn ra, bóng đá Pháp ngày càng dồi dào trung vệ chất lượng cao”.
Hiện nay, FFF đang muốn nhân rộng mô hình này với vị trí hậu vệ cánh, nơi đang trở thành quý hiếm các ĐTQG.