HLV Kim Sang Sik & thứ bóng đá đậm tính Hàn Quốc

Khởi đầu khó khăn của ông Kim Sang Sik cùng ĐTQG Việt Nam được thể hiện qua một trận đấu cho thấy nhiều nét đặc trưng của phong cách bóng đá Hàn Quốc. 

Khi đặt những phép so sánh giữa 2 nền bóng đá phát triển nhất khu vực Đông Á, ai cũng sẽ nói về tính khoa học, lớp lang mà Nhật Bản dày công xây dựng dựa trên những cá nhân có phẩm chất kĩ thuật tốt và sự gắn bó giữa các nhóm phối hợp. Đối lập với hình ảnh ấy, là sức mạnh, là tính trực diện và là tốc độ mà Hàn Quốc luôn thể hiện. 

Ông Kim Sang-sik từng lên ngôi vô địch K-League dưới tư cách một HLVÔng Kim Sang-sik từng lên ngôi vô địch K-League dưới tư cách một HLV

ĐTQG Việt Nam, sau nhiệm kì thành công của một HLV người Hàn Quốc, trao niềm tin vào một chiến lược gia được xem là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Nhật Bản - ông Philippe Troussier, rồi trở lại với một người dường như còn đậm chất Hàn Quốc hơn nữa – HLV Kim Sang Sik. Nói gì thì nói, ông Kim từng là trụ cột của ĐTQG nước này và từng lên ngôi vô địch K-League dưới tư cách một HLV.

Dưới góc nhìn chuyên môn, những phút đầu tiên trong cuộc đối đầu với Philippines tại Mỹ Đình là chất liệu rất quan trọng để đánh giá về định hướng chơi mà ông Kim muốn áp dụng. Vị chiến lược gia trẻ tuổi này vẫn duy trì sơ đồ 3-4-3 như 2 người tiền nhiệm, nhưng cho thấy những dấu ấn rất riêng của bản thân mình. 

ĐT Việt Nam đã làm gì ở tình huống triển khai bóng đầu tiên?

Ở cấu trúc đội hình, Hoàng Đức cùng Hùng Dũng tạo nên cặp tiền vệ trung tâm, Quang Hải chơi tự do lệch biên trái. Đặc biệt hơn cả, cặp đôi chạy cánh Khuất Văn Khang và Phạm Xuân Mạnh mới là những người có vị trí cao nhất trong đội hình của đội chủ nhà. Hoàng Đức nhận bóng từ các trung vệ, không có áp lực, lập tức đưa một đường bóng chéo sân tới hơn 60m sang biên phải cho Xuân Mạnh, và ĐT Việt Nam tiếp cận vòng cấm địa đối phương.

Chẳng phải cần là một người làm chuyên môn, ai cũng có thể nhận ra miếng chơi được lặp đi lặp lại mà các cầu thủ trong tay ông Kim Sang Sik muốn thực hiện, ít nhất là trong hiệp 1. Tốc độ, chiều ngang, chiều sâu là những gì ĐT Việt Nam hướng đến và nó vốn luôn là những thứ rất Hàn Quốc.

Khác với ông Park với những sự tự do nhất định dành cho các cầu thủ khi kiểm soát bóng, khác với ông Troussier với mong muốn đưa các cầu thủ lại gần nhau và phát triển bóng qua các cầu nối một cách tuần tự, ông Kim có một tư duy khác ở thời điểm kiểm soát bóng. Tính cấu trúc là có, tính mục đích cũng rõ ràng. Qua trận đấu mở màn trước đối thủ không được đánh giá cao Philippines, câu hỏi là liệu định hướng chơi này có đạt được hiệu quả cao?

ĐT Việt Nam đã ghi 2 bàn thắng mà hẳn là đúng với mong muốn của vị tân HLV trưởng. Văn Toàn thoát xuống tấn công chiều sâu như những gì cầu thủ này vẫn thể hiện phẩm chất xuất sắc nhất của mình để kiến tạo cho Tiến Linh. Trong khi ở bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1, sau pha phát triển trực diện của Hoàng Đức từ sân nhà, ĐT Việt Nam cần đúng 2 đường chuyền để đưa bóng vào lưới với nỗ lực kéo giãn chiều ngang sân và tạt bóng của Phan Tuấn Tài – người được vào sân với vai trò cầu thủ chạy cánh trái. 

Nhưng đặt góc nhìn ngược lại, bóng đá không chỉ có thời điểm kiểm soát quả bóng trong chân. Ở một tốc độ lên bóng như thế, tính tổ chức và duy trì cự ly đội hình sẽ là một trong những bài toán lớn nhất mà ông Kim Sang Sik cần phải chú tâm. Cảm giác về một ĐT Việt Nam tấn công trực diện, tốc độ là có, nhưng đi cùng với đó, là cảm giác về một ĐT Việt Nam mong manh hơn khi phòng ngự. 

Cũng dễ hiểu thôi, ở tốc độ tấn công như vậy, thì xác suất để mất bóng là không nhỏ, và kéo theo đó, là nguy cơ phải nhận những tình huống phản công nguy hiểm trong thời điểm mà các cầu thủ chạy cánh đang là những người có vị trí cao nhất trong cấu trúc đội hình. 

Các trung vệ Việt Nam, trừ 1,2 trường hợp ngoại lệ, chưa bao giờ được biết đến là những người giỏi ở khả năng phòng ngự cá nhân trong một phạm vi rộng. Ít nhất 3-4 lần, Philippines đã có thể đưa bóng xuống 2 biên, tạo ra các tình huống tiếp cận nhanh và nguy hiểm chẳng kém ĐT Việt Nam ở những tình huống phản công.

Đó là câu chuyện đến từ sự cân bằng. Sự cân bằng không chỉ trong những phương án chơi bóng, mà còn là sự cân bằng trong những tính toán về mặt thể chất với một cường độ tấn công như thế. Trong một bản hợp đồng dài hạn của mình cùng với bóng đá Việt Nam, vị chiến lược gia 47 tuổi này còn nhiều thời gian để thích nghi với những cầu thủ trong tay, thích nghi với thói quen thi đấu của họ tại giải VĐQG và bằng một cách nào đó, tổng hòa những yếu tố ấy để phục vụ cho phong cách bóng đá điển hình của mình. 

Một thứ bóng đá mới mẻ, xứng đáng để chờ đợi, mang đến những màn trình diễn ở tốc độ cao, giàu cảm xúc như những gì Phạm Tuấn Hải và các đồng đội đã làm được trong trận đấu đầu tiên của HLV Kim Sang Sik tại Mỹ Đình. 

TAG: