VAR tại Premier League vì sao hay sai sót?

Premier League là một trong những giải đấu có thể nói đi tiên phong trong việc áp dụng VAR. Tuy nhiên theo thời gian, sân chơi cao nhất nước Anh lại khiến công nghệ này trở thành vấn nạn gây nhức nhối, thậm chí đến mức phẫn nộ. Vậy vì đâu nên nỗi?

Hơn 10 ngày đã trôi qua, song dư âm của thất bại 1-2 của Liverpool trước Tottenham tại vòng 7 Premier League như mới vừa xảy ra. Vụ việc càng trở nên thu hút sự chú ý khi đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa các quan chức trận đấu được công bố. Nó nổi tiếng đến nỗi giờ đây được gọi với cái tên "Luis Diaz Tape" (tạm dịch: Đoạn băng Luis Diaz). 

Tại đây, các nhân vật chính khác nhau đã giao tiếp bằng những cụm từ cụt lủn và vô nghĩa. Đoạn băng chỉ kéo dài 2 phút, nhưng nó ly kỳ, hồi hộp như một bộ phim trinh thám. Một nhóm trọng tài vô danh thảo luận về quy trình trong khi nhìn chằm chằm vào màn hình, kiên quyết "chốt hạ" một kết quả được định trước. 

Xin được nhắc qua bối cảnh thế này: Tiền đạo Diaz của Liverpool thoát xuống ghi bàn vào lưới Tottenham. Pha lập công bị từ chối trên sân vì cầu thủ này mắc lỗi việt vị. Cách đó vài km, trong một tòa nhà ở Stockley Park phía tây London, tổ trọng tài VAR bắt tay vào làm nhiệm vụ. Tổ trưởng Darren England muốn kiểm tra liệu bàn thắng có nên được công nhận hay không. Ông này ra lệnh xem băng quay chậm, tạm dừng và kẻ vài đường. 

Diaz bị từ chối 1 bàn thắng rõ như ban ngày trước TottenhamDiaz bị từ chối 1 bàn thắng rõ như ban ngày trước Tottenham

England xác định Diaz đã căn thời gian chạy một cách miễn chê. "Tuyệt vời, hoàn hảo", người phụ trách VAR nói với các đồng nghiệp trong phòng và với trọng tài chính trên sân - ông Simon Hooper. "Kiểm tra hoàn tất", England chốt hạ. Chính từ khoảnh khắc này, mọi thứ sáng tỏ theo hướng thảm họa. Bàn thắng đáng lẽ phải được tính, song England đã tuyên bố phán quyết ban đầu của Hooper - không công nhận bàn của Diaz - là "hoàn hảo". Hooper sau đó lẩm bẩm: "Làm tốt lắm các anh em, quy trình tốt đấy". 

Tottenham tái khởi động trận đấu bằng một quả phạt trực tiếp. Vài giây trôi qua, có vẻ như không ai để ý đến phán quyết. Tuy nhiên, hàng vạn, hàng triệu khán giả đều biết chuyện ma quỷ gì đã xảy ra. Lúc này, Mo Abby bước vào phòng VAR. Abby không phải trọng tài đủ tiêu chuẩn. Ông là chuyên gia công nghệ, có mặt để vận hành thiết bị video trong khi các trọng tài làm công việc chuyên môn của họ. "Các ông có thỏa mãn với quyết định này không?", Abby hỏi, giọng có chút lo lắng bởi ông biết bản thân đang xen vào việc chẳng phải của mình.

Giờ đây, sự việc bắt đầu vỡ lở. Oli Kohout - một người ngoài cuộc khác, nhưng là giám đốc trung tâm vận hành, đề nghị tạm dừng trận đấu và cho phép Hooper sửa lỗi. Ông England có quyền thực hiện "cuộc gọi" với Hooper. Trong khoảnh khắc, đôi mắt của England lộ rõ sự hoảng sợ xen lẫn sự bất lực. "Tôi không thể làm gì được", England nhắc tái nhắc hồi với niềm tin đáng kinh ngạc.

Thực tế, đây mới là điều đáng lo ngại nhất trong vụ việc trên sân Tottenham Hotspur. Khi HLV Jurgen Klopp cho rằng sai lầm này cần được xử lý bằng cách cho trận đấu đá lại, thì phải hiểu mức độ nghiêm trọng là khủng khiếp đến nhường nào. Có nên đá lại trận chung kết World Cup 1966? Argentina đánh bại Anh năm 1986? Rồi thì chung kết Champions League 2019? 

Công nghệ nói chung và VAR nói riêng không có lỗi. Lỗi nằm ở con ngườiCông nghệ nói chung và VAR nói riêng không có lỗi. Lỗi nằm ở con người

Sự khác biệt chẳng cần phải nói ra, bởi rất nhiều đội bóng đã trở thành nạn nhân của những sai sót gây hậu quả to lớn như những gì Liverpool phải gánh chịu. Trong hầu hết các vụ việc, những quyết định đó đều được đưa ra với một niềm tin sắt đá. Các trọng tài luôn tin họ đúng, mặc định như vậy để rồi sai lầm cứ thế tiếp diễn, hết trận này đến trận khác. 

Có rất nhiều lý do để phản đối sự tồn tại, hoặc ít nhất là việc áp dụng VAR. Nó làm gián đoạn nhịp điệu của các trận đấu. Nó làm giảm trải nghiệm xem bóng đá của người hâm mộ, cho phép bản chất của hành động được xác định từ xa bởi một lực lượng bên ngoài dường như không thể giải thích được. Nó tạo ra và ép buộc một kỳ vọng về sự hoàn mỹ không thể chạm đến, từ đó, trở thành nguồn gốc của sự thất vọng, thậm chí phẫn nộ tột cùng.

Điều gây bức xúc nhất là việc trọng tài biết mình sai nhưng không sửa, khăng khăng làm việc đúng quy tắc như một cái máy. Luật nêu rõ một khi trận đấu đã bắt đầu lại thì không thể dừng lại, song lỗi sai là do con người tạo ra. Và rồi tất cả bị lấp liếm, đổi trắng thay đen trước cặp mắt của cả thiên hạ. Công nghệ được đưa vào nhằm giúp bóng đá trở nên công bằng và chính xác hơn. Đáng tiếc, dưới sự vận hành cẩu thả, thiếu trách nhiệm của con người, nó đã và đang hủy hoại tất cả.

TAG: