Khi hai HLV chạm trán nhau vào rạng sáng mai ở đại chiến Arsenal vs MU, Ruben Amorim đang rơi vào hoàn cảnh tương tự Mikel Arteta cách đây 5 năm khi mới về Pháo thủ thành London. Cả hai đều là những HLV trẻ, khát khao, có bộ óc chiến thuật và cập bến một đội bóng lớn của Anh trên đà suy thoái…
Buổi bình minh của Arteta tại Emirates chẳng dễ dàng gì. Và, những gì chiến lược gia người Tây Ban Nha đã làm để tái thiết Arsenal có thể là bài học cho Amorim vực dậy MU từ mớ bòng bong mà Erik ten Hag để lại.
Không sợ hãi khi lật trang sử mới
Những trận Arsenal vs MU hay MU vs Arsenal luôn là cuộc đối đầu lớn nhất trong kỷ nguyên Premier League dưới thời Sir Alex Ferguson vs Arsene Wenger, Roy Keane vs Patrick Vieira, những trận cãi vã nảy lửa trong đường hầm trước khi trận đấu bắt đầu, những cuộc ẩu đả trên sân và những màn ném pizza sau đó. Tất nhiên, kèm theo đó là những kỷ lục, những danh hiệu.
Từ khi Wenger đến vào năm 1997 cho đến mùa giải bất khả xâm phạm của ông 7 năm sau đó, họ đã trở thành thế lực thống trị, đưa Premier League trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, thách thức bất cứ đế chế hùng mạnh nào ở châu Âu. Nhưng, tất cả những điều đó đã xảy ra cách đây hơn hai thập kỷ. Kể từ khi Wenger suy yếu và Ferguson ra đi, cả hai CLB đều trải qua những năm tháng thăng trầm, không danh hiệu.
Mạnh dạn lật trang sử mới sau khi Sir Alex và Giáo sư Wenger đem đến thương hiệu riêng cho MU và Arsenal
Vậy dưới thời Arteta và Amorim, liệu Arsenal - MU có thể trở nên vĩ đại trở lại không?
Arteta không hề sợ hãi khi xóa bỏ quá khứ, lật trang sử mới bằng cách mạnh dạn loại bỏ những cái tôi vô dụng trong những năm cuối của triều đại Wenger, như Mesut Ozil và Pierre-Emerick Aubameyang. Vị tướng trẻ người Tây Ban Nha khi ấy mới 37 tuổi (còn nhỏ hơn Amorin hiện tại 2 tuổi) đã trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn trước khi ông tái thiết Arsenal theo dấu ấn của mình, giúp The Gunners trở lại cuộc đua vô địch thực sự ở 2 mùa giải trước.
Amorim cũng sẽ phải làm một số công việc khó khăn. Và đến một lúc nào đó, ông có thể cần đến sự kiên nhẫn, gần như là niềm tin mù quáng, mà đế chế Kroenke đã dành cho Arteta trong những năm đầu ông nắm quyền.
MU sẽ không được xây dựng lại chỉ sau một đêm. Nhưng có những bài học rút ra từ sự trỗi dậy của Arteta tại Emirates mà Amorim cần học hỏi. Đó là những quyết định mạnh bạo về tương lai của các cầu thủ kỳ cựu, cùng với lòng dũng cảm xây dựng một đội bóng xung quanh những tài năng trẻ và trên hết là tạo ra một tinh thần đoàn kết thực sự.
Xây dựng nền móng
Trong nhiều năm qua, MU chỉ đoàn kết trên danh nghĩa. Việc Amorim trung thành với hệ thống 3-4-3 chỉ là một vấn đề phụ. Khả năng phát triển tinh thần chiến thắng và sự gắn kết thực sự trong đội hình quan trọng hơn nhiều, như Arteta đã chứng minh trong buổi bình minh của ông tại Arsenal.
Arteta dần đặt dấu ấn trong sự trỗi dậy của Arsenal
Về bản chất, Arteta đã đập vỡ đội hình và bắt đầu lại. Bukayo Saka là thành viên duy nhất trong đội hình 18 người đầu tiên của ông hiện đang ở CLB. Reiss Nelson, cầu thủ đang được cho Fulham mượn, là cầu thủ duy nhất vẫn còn trong biên chế Arsenal góp mặt trong trận hòa 1-1 với Bournemouth vào tháng 12/2019 - đúng 5 năm trước.
Nhìn vào đội hình hiện tại của MU - đang thiếu hậu vệ cánh chuyên nghiệp, thiếu sự năng động ở hàng tiền vệ hoặc một trung phong xuất sắc - ta có thể dễ dàng hình dung Amorim sẽ thực hiện những thay đổi toàn diện tương tự.
Amad Diallo, cầu thủ nổi bật nhất trong 3 trận đấu đầu tiên của Amorim, có thể sẽ trở thành Saka của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. Kobbie Mainoo, Alejandro Garnacho và tân binh Leny Yoro - người có thể ra mắt MU vào rạng sáng mai - đều đủ trẻ và đủ giỏi để trụ lại Old Trafford lâu dài.
Nhưng nếu 5 năm sau, Amorim vẫn dẫn dắt một MU thành công thì những Bruno Fernandes, Marcus Rashford, Harry Maguire, Casemiro, Christian Eriksen và nhiều người khác có thể sẽ rời đi từ lâu.
Những thứ không thể sao chép
Có rất nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt giữa hai chiến lược gia trẻ tuổi. Khi Arteta tiếp quản Arsenal ở tuổi 37, ông có hiểu biết sâu sắc về CLB mà ông từng làm đội trưởng và có nhiều kinh nghiệm tại Premier League với tư cách là cầu thủ cũng như HLV, nhưng trước đó ông chưa từng dẫn dắt một đội bóng nào.
Ở tuổi 39, Amorim đã có 5 danh hiệu trong nhiều mùa giải làm HLV tại quê nhà Bồ Đào Nha cùng với Braga và Sporting Lisbon. Nhưng ông chưa từng có kinh nghiệm thi đấu hoặc dẫn dắt ở bất kỳ giải đấu lớn nào trong 5 giải đấu lớn của châu Âu.
Amorim có thể tham khảo nhưng không thể sao chép những gì Arteta đã làm cùng Arsenal
Tuy nhiên, điểm chung của Arteta và Amorim là cá tính cần có để đảm nhiệm việc dẫn dắt một gã khổng lồ của Ngoại hạng Anh. Sau màn ra mắt nhẹ nhàng trước các đối thủ “làng nhàng bậc trung” như Ipswich, Bodo-Glimt và Everton, trận đấu ngày mai sẽ là bài test thực sự đầu tiên cho đội hình có giá quá cao và thành tích kém mà Amorim thừa hưởng từ Ten Hag.
Chiến thắng 4-0 trước Everton cuối tuần qua là kết quả thực sự đáng khích lệ đầu tiên của Amorim, nhưng tỷ số này đã che giấu màn trình diễn chung trung bình của MU hiện tại. Trong khi đó, Arsenal, với sự trở lại của Martin Odegaard trong vai trò nhạc trưởng, đã ghi được 13 bàn thắng trong 3 trận thắng liên tiếp, bao gồm cả 5 bàn trong các trận sân khách liên tiếp.
Ở mức độ nào đó, Arsenal của Arteta hiện tại chính là hình ảnh mà MU của Amorim mong muốn hướng tới. Tất nhiên, Pháo thủ vẫn chưa giành được danh hiệu lớn nào trong 4 mùa giải đã qua. Điều này càng nhấn mạnh thêm về nhiệm vụ lớn lao mà Amorim phải đối mặt.