ĐT Hà Lan: Lốc da cam đừng thành cơn gió thoảng

Chỉ phải gặp Romania, Hà Lan được nhiều fan trung lập đánh giá là khá may mắn vì đối thủ của họ không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, những người hâm mộ Oranje vẫn có lý do để bất an, bởi đội bóng áo cam có thói quen hay sảy chân theo cách rất lãng nhách.

Cái dớp vòng knock-out

Sau khi vào đến bán kết EURO 2000 và 2004, Hà Lan không còn tiến xa ở sân chơi mà họ từng lên ngôi năm 1988. Bằng chứng là đội bóng này đã dừng bước ở ngay vòng bảng EURO 2012 và thậm chí không qua nổi vòng loại EURO 2016. 

Quãng thời gian tăm tối nói trên xen giữa EURO 2008 và EURO 2020, hai vòng chung kết mà Hà Lan lần lượt vào đến tứ kết và vòng 1/8. Đáng chú ý, ở 2 kỳ EURO ấy Hà Lan bị loại bởi Nga và Séc đều là những đối thủ thuộc hàng "chiếu dưới" so với họ.

Ở EURO 2008, Nga vừa ra quân đã thảm bại 1-4 trước Tây Ban Nha, sau đó cán đích thứ 2 ở bảng D. Ngược lại, Hà Lan gây ấn tượng cực mạnh khi toàn thắng cả 3 trận vòng bảng. Nạn nhân của họ năm đó đáng chú ý có nhà vô địch thế giới Italia, á quân thế giới Pháp và Romania chính là đối thủ sắp tới của Oranje.

Những tưởng sau 3 chiến thắng tưng bừng 3-0, 4-1 và 2-0 trước những đối thủ nói trên, Hà Lan sẽ dễ dàng thổi bay ĐT Nga do "người nhà" Guus Hiddink dẫn dắt. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi đội bóng xứ bạch dương với ngôi sao Arshavin trong đội hình đã quật ngã Hà Lan với tỷ số khó tin 3-1.

Đến EURO 2020, Hà Lan lại phải rời cuộc chơi ngay từ vòng knock-out đầu tiên theo cách không ai có thể hiểu nổi. Giống như những gì diễn ra năm 2008, đội bóng này cũng giành trọn 9 điểm ở vòng bảng, nhưng cuối cùng không vượt qua nổi chướng ngại vật mang tên Séc.

Đáng nói ở chỗ, Séc vốn chẳng phải là tên tuổi lớn trong làng bóng đá châu Âu. Họ chỉ đi tiếp với tư cách một trong bốn đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất vòng bảng, vậy mà vẫn buộc Hà Lan phải nhận thất bại đau đớn với tỷ số 0-2.

Hà Lan từng thua Séc 0-2 ngay vòng 1/8 EURO 2020Hà Lan từng thua Séc 0-2 ngay vòng 1/8 EURO 2020

Còn đó những nỗi lo

Qua những trận thua theo cùng một kịch bản trước Nga và Séc, Hà Lan đã cho thấy mình là đội bóng không đáng tin cậy khi được xếp ở thế "cửa trên". Với đẳng cấp đã được thừa nhận, Hà Lan có thể chẳng ngại những địch thủ đáng gờm như Pháp, Đức hay Italia. Tuy nhiên, chính sự chủ quan vì được gặp các đội bị đánh giá yếu hơn mới hay làm hại họ.

Chính bởi thế, Hà Lan cần phải hết sức cảnh giác khi chuẩn bị so tài với Romania. Đây là đội bóng không có nhiều ngôi sao trong đội hình, nhưng lại có khả năng giành được những chiến thắng theo kiểu điên rồ. Đơn cử như việc họ mới mở màn EURO 2024 bằng màn vùi dập Romania tới 3 bàn không gỡ.

Một lý do khác khiến Hà Lan chẳng thể khiến người hâm mộ yên tâm là họ bị mất cân bằng ở các tuyến. Vốn nổi tiếng là đội có khả năng tấn công như vũ bão, nhưng hiện tại sự chắc chắn trong khâu phòng ngự mới là điểm mạnh nhất của Hà Lan.

Với thủ lĩnh Vigril Van Dijk chỉ huy hàng thủ, Hà Lan về cơ bản không e ngại những đợt lên bóng của đối phương. Vấn đề của đội quân do HLV Ronald Koeman chỉ đạo là họ đang thiếu một cây săn bàn thực thụ. Kể từ đầu giải, chủ công của Hà Lan là Memphis Depay đã gây thất vọng tràn trề. Anh rất hay chuyền hỏng, che chắn bóng không tốt nên khó có thể là mối đe dọa với Romania. Trong khi đó, Weghorst chỉ hợp với vai trò "siêu dự bị", còn tiền đạo được gọi bổ sung Zirkzee vẫn chưa đá phút nào ở EURO 2024.

Thực tế trên cộng với việc tuyến giữa thiếu vắng 2 nhân tố chủ chốt De Jong và Koopmeiners đủ khiến HLV Koeman phải đau đầu. Nhìn vào quá khứ và hiện tại của Hà Lan, nếu cơn lốc màu da cam có trở thành cơn gió thoảng trước Romania thì đó cũng không phải là chuyện lạ.

Siêu máy tính ủng hộ Hà Lan đi tiếp

Theo siêu máy tính của Opta, khả năng Hà Lan lọt vào tứ kết khá sáng. Thiết bị thông minh này đánh giá tỷ lệ thắng của đội bóng áo cam trong 90 phút lên tới 62,8%. Với Romania, khả năng họ hạ được Hà Lan mà không cần phải đá hiệp phụ chỉ đạt 15,3%. Trong khi đó, tỷ lệ 2 đội không phân định được thắng thua trong 90 phút là 21,9%. Nếu tính cả trường hợp 2 đội phải đá hiệp phụ hoặc thi sút luân lưu, cửa đi tiếp của Hà Lan là 67,6%, còn của Romania là 32,4%.

TAG: