Tuyển Anh cố bắt chước Man City nhưng không tới

Việc giữ bóng trong các giải đấu luôn là một thử thách đối với đội tuyển Anh trong nhiều thập kỷ. Trước Slovenia, điều này đã thay đổi khi Tam sư đã cầm được rất nhiều bóng, thậm chí hoàn toàn áp đảo. Dù vậy, vấn đề nằm ở chỗ Anh giữ bóng song không biết làm gì.

70% là thời lượng kiểm soát bóng mà Anh đã tạo ra trước Slovenia. Tuy nhiên, cầu môn của thủ thành Jan Oblak vẫn luôn trong tình trạng an toàn thay vì liên tục chao đảo. Màn trình diễn của Tam sư trông giống như một phiên bản lỗi của Man City. Họ luân chuyển bóng từ bên này sang bên kia với nhịp độ chậm, có chủ ý nhưng không có sự đột biến ở 1/3 cuối sân đối phương như Man xanh.

Sau 3 trận vòng bảng EURO 2024, không có đội tuyển nào tấn công với tốc độ chậm hơn Anh, theo chỉ số tốc độ trực tiếp của Stats Performance. Trang thống kê uy tín này đo tốc độ trung bình mà bóng được di chuyển trên sân trong các chuỗi tình huống bóng sống. Với tốc độ trực tiếp trung bình là 1,24 mét/giây, Tam sư xếp thứ 24/24 đội tuyển. Tốc độ ấy cũng chậm hơn cả 20 CLB đã chơi ở Premier League mùa trước.

Điều này lý giải một phần tại sao các trận đấu có sự hiện diện của tuyển Anh ở EURO 2024 lại gây cảm giác buồn ngủ đến vậy. Tuy nhiên, đây là lúc câu hỏi về việc Tam sư nên tấn công nhanh như thế nào trở nên phức tạp hơn. Man City của Pep Guardiola là đội có tốc độ tấn công chậm nhất ở Premier League mùa trước, khi họ giành chức vô địch thứ 4 liên tiếp. Man xanh bóp nghẹt đối thủ bằng khả năng kiểm soát bóng siêu việt rồi từng bước tìm đường vào khung thành.

Anh cầm bóng rất nhiều trước Slovenia nhưng không biết làm gìAnh cầm bóng rất nhiều trước Slovenia nhưng không biết làm gì

Tuyển Anh có lẽ cũng muốn tiếp cận cách đá như vậy, song tốc độ luân chuyển bóng của họ thậm chí còn chậm hơn Man City mùa trước. Man xanh sở hữu những tiền vệ chuyền bóng tốt cũng như hàng công nhanh nhẹn hơn Anh rất nhiều. Rõ ràng, Tam sư cần tìm ra sự cân bằng tốt hơn giữa khả năng kiểm soát và sáng tạo. Điều này có thể thúc đẩy tốc độ trực tiếp của họ lên ngang hàng với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức. Vậy, tại sao lối chơi của Anh lại chậm như vậy?

Đầu tiên, cách bài trí quá thận trọng của Gareth Southgate là vấn đề. Trước một Slovenia chơi lùi sâu, Anh triển khai tấn công từ hàng thủ theo công thức 4-1, tức 4 hậu vệ kèm một tiền vệ ngay phía trên là Declan Rice. Thỉnh thoảng, Conor Gallagher lùi xuống tạo thành cấu trúc 4-2. Giống như trận gặp Đan Mạch, Tam sư liệu có cần đến 5 hay 6 cầu thủ, cộng thêm Jordan Pickford, để đấu với một đối thủ vốn đã kéo rất thấp đội hình. 

Trong nhiều tình huống, Jude Bellingham được trông thấy xuất hiện ở sát đường biên ngang cánh trái, ngay trước vạch giữa sân. Đó là vị trí mà hậu vệ trái của Anh hoàn toàn có thể dâng cao, tạo điều kiện để Bellingham bó vào trung lộ, tạo ra sự áp đảo về quân số tại tuyến giữa. Ngoài ra, Tam sư có thể xem xét việc đẩy John Stones dâng cao đá cặp tiền vệ với Rice, như cách trung vệ này từng làm với Rodri ở Man City. Điều đó có lẽ sẽ giúp Anh luân chuyển bóng tốt và hiệu quả hơn nhiều.

Bellingham (khoanh vàng) dạt trái khi Anh có quá nhiều cầu thủ bên dưới trước SloveniaBellingham (khoanh vàng) dạt trái khi Anh có quá nhiều cầu thủ bên dưới trước Slovenia

Kế tiếp, việc phân phối bóng chỉ là một nửa câu chuyện khi nói đến quá trình phát triển lối chơi. Cầu thủ chuyền bóng cần người nhận bóng ở vị trí nguy hiểm để đe dọa cầu môn đối phương. Suốt vòng bảng, tuyển Anh thiếu rõ sự cơ động với những pha di chuyển không bóng thông minh. Bukayo Saka là cầu thủ xuất sắc nhất của Anh trong hai trận đầu tiên, nhưng lại không được ra sân trước Slovenia khi hàng công của Tam sư chủ yếu đánh biên trái. 

Phía trên cao, Harry Kane tỏ ra chậm chạp, và thiếu một cầu thủ chạy cánh có khả năng căng vào từ hai biên kiểu Raheem Sterling và Marcus Rashford - những đối tác ăn ý của anh trước đây. Đó lý do vì sao các chuyên gia bóng đá Anh kêu gọi Southgate hay trao cơ hội cho Anthony Gordon - một cầu thủ chạy cánh rất giỏi ở khả năng khoan phá và chuyền vào từ cánh. 

Cuối cùng, có cảm giác tuyển Anh cố gắng cầm nhiều bóng không hẳn để tấn công, mà họ làm điều đó như một chiến thuật phòng thủ. Không cho đối thủ có bóng là một chiến lược phòng vệ hiệu quả, như những gì Man City đã chứng minh. Hiện tại, Anh trông giống như một đội bóng sợ hậu quả của việc mất bóng.

TAG: